6 Món trứ danh của Ẩm Thực miền núi phía bắc

Khu vực miền núi phía Bắc không những chinh phục lòng người bằng cảnh sắc hùng vĩ, núi non trùng điệp. Ai một lần đến với các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng,… cũng đều sững sờ khi khung cảnh tuyệt đẹp của đất trời hiện ra như tranh vẽ. Song song với chiêm ngưỡng cảnh đẹp, bạn cũng đừng quên thưởng thức những đặc sản ẩm thực miền núi phía Bắc đặc biệt.
Mỗi nơi trên đất nước Việt Nam đều có nét ẩm thực độc đáo, thể hiện văn hóa từng vùng miền và từng dân tộc. Khí hậu miền núi phía Bắc có những điểm khác so với các vùng khác trên cả nước nên hệ sinh thái động, thực vật khá đặc biệt. Chính điều này đã làm cho ẩm thực miền núi nơi đây có nhiều nét mới lạ. Các món ngon đặc sản ở khu vực miền núi phía Bắc vô cùng đa dạng, bạn có thể thưởng thức từ các món quen thuộc như cơm lam, thịt trâu gác bếp,… đến các món hương vị khác biệt như phở chua, bánh nếp nhân trứng kiến,…

Phở chua Bắc Hà

Món ăn được tạo nên từ những nguyên liệu như: sợi phở tráng, nước chua, thịt lợn, lạc rang, các loại rau sống. Món phở chua được nhiều người yêu thích vì giàu dinh dưỡng, hương vị đậm đà nhưng mang lại cảm giác thanh mát không ngấy.
 
pho-chua-bac-ha
Tô phở chua Bắc Hà hấp dẫn

Cơm lam Suối Khoáng (Cơm Lam Cô Mùi)

Cơm lam Suối Khoáng là sự kết hợp hài hòa vị béo bùi của cơm dẻo, vị cay nồng của gừng, vị ngọt thanh của nước ống tre rừng quyện cùng mùi của khói bếp đầy mê hoặc. Cơm lam khác với các loại cơm thường ở điểm có thể ăn ngay khi còn nóng hoặc để suốt tuần mà vẫn mềm, ngon không lo bị hỏng.
Gạo nếp, nước gừng hoặc nước cốt dừa cho vào ống tre rồi nướng trên bếp than. Khi cơm chín thì bỏ lớp tre cháy đen bên ngoài, giữ màng ruột tre rồi chấm với muối vừng đen. Nhiều dân tộc thay ống tre bằng ống giang, ống nứa,… nhưng vẫn giữ được độ ngon của cơm lam.

Thịt trâu gác bếp

Khi đến với Tuyên Quang, bạn nhất định phải thử qua thịt trâu gác bếp. Trâu ở vùng núi này nổi tiếng sạch sẽ và thịt ngọt. Thịt nạc trâu được dần cho mềm, ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và nhiều loại gia vị khác. Sau khi ướp, thịt trâu được sấy trên than hoặc mang đi hun khói trên gác bếp. Khi ăn, có thể cuốn thịt trâu chung với rau cải rồi chấm nước chấm.
 
thit-trau-gac-bep
Thịt trâu gác bếp đậm đà hương vị

Thịt lợn muối chua

Thịt lợn muối chua được chế biến đơn giản từ thịt lợn đen ướp cùng lá giềng, lá quế, cơm rượu nếp, muối… Tất cả nguyên liệu cho vào hũ lớn, cứ mỗi lớp thịt lại rải lên một lớp gạo rang. Mang hũ thịt để trên gác bếp khoảng 1 – 2 tuần là có thể ăn được. Thịt lợn muối chua được ăn kèm với lá lốt thì mới dậy lên được tất cả tinh túy trong hương vị: vị ngọt của thịt, vị chua của men, vị đậm đà của lá lốt.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc gồm 5 màu: trắng, xanh, vàng, cam, tím. Loại xôi này thường dùng dâng tế thần linh. 5 màu này trong quan niệm của người dân tộc Tày là màu của Ngũ hành: Kim  – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Xôi ngũ sắc không chỉ dẻo thơm mà còn chất chứa những triết lý về trời đất trong tín ngưỡng của người dân tộc Tày.
 
xoi-ngu-sac-mien-bac
Xôi ngũ sắc dẻo và có hương thơm ngào ngạt

Mắm cá ruộng

Mắm cá ruộng là món ăn truyền thống của người Tày Chiêm Hóa. Muốn làm được mắm cá ruộng phải mất rất nhiều thời gian. Cá phải mất 3 tháng nuôi ở ruộng, sau đó ủ làm mắm trong 10 tháng. Bạn có thể ăn thịt luộc, rau sống chấm với mắm. Ngoài ra, với người Tày, mắm cá ruộng còn là vị thuốc giải rượu, giải độc hiệu quả.
Thưởng thức các món ăn đặc sắc ở vùng đất mình sắp đặt chân đến là một phần không thể thiếu trong các chuyến đi. Hương vị các món ăn có thể lạ miệng nhưng bạn cũng nên thử qua một lần. Những đặc sản ẩm thực miền núi phía Bắc chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo về cả hương vị lẫn cách chế biến.

Được đăng bởi : Tôi Yêu Ẩm Thực Việt http://blog.livedoor.jp/toiyeuamthucviet/6-mon-ngon-am-thuc-mien-nui-phia-bac

Laisser un commentaire