Những món ăn đặc sản Miền Bắc Việt Nam

Không chỉ có nền văn hóa đa dạng, mà những nét ẩm thực của Việt Nam cũng vô cùng phong phú. Ở những vùng miền khác nhau sẽ có những món ăn đặc trưng riêng. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng chu du các tỉnh khu vực phía Bắc để thưởng thức món ăn đặc sản miền Bắc khiến những ai đã từng đi qua cũng phải thổn thức.
Nếu như miền Trung mang đậm nét ẩm thực đầy nắng và gió như chính nơi nó được tạo ra, hay miền Nam là sự hội tụ của nhiều nền ẩm thực khác nhau, thì những món ăn đặc sản miền Bắc lại mang một nét văn hóa lâu đời.
Ẩm thực phía Bắc có vị thanh đạm, vừa phải, không cay đặc trưng như miền Trung hay vị béo ngọt của miền Nam, màu sắc cũng không quá rực rỡ nhưng vẫn giữ được nét thu hút riêng cho mình. Cùng điểm qua một vài món ăn đặc sản miền Bắc này nhé.

Xem thêm: Top 5 món ăn của Ẩm Thực Việt Nam

 
Nem nắm Giao Thủy – Nam Định
Nem ở Việt Nam đa dạng về chủng loại và cách chế biến cũng không giống nhau. Thế nhưng món nem trong câu ca dao “Tay cầm bầu rượu, nắm nem” khiến người ta mê mẩn ấy chính là đặc sản của vùng đất Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định.

nem-nam-giao-thuy-nam-dinh
Món nem nắm nổi tiếng ở Nam Định
Nem làm từ thịt lợn nhưng đó phải là loại thịt nạc mông ngon của con lợn khỏe mạnh. Nguyên liệu làm nên hương vị chủ đạo cho món nem này chính là thính. Thính được làm từ gạo cám thơm Hải Hậu sau khi ngâm gạo qua đêm, để ráo nước rồi đem rang, cho tới khi gạo có màu vàng ngà ngà thì đem đi nghiền cho mịn.
Bánh tẻ

Bánh tẻ (hay còn gọi là bánh lá, bánh răng bừa) là loại bánh truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, bánh tẻ đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác trên cả nước với nhiều sự biến tấu khác nhau, tuy nhiên hương vị của miền Bắc vẫn được lưu giữ.

Bánh làm từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong và được luộc (hấp) chín. Nhân bánh gồm thịt lợn vai, mộc nhĩ (hoặc có thể là nhân đỗ dành cho những ai không ăn thịt lợn). Bánh tẻ nổi tiếng có thể tìm thấy ở làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh); bánh tẻ làng Phú Nhi (phường Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội); bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên;…
Chả cốm
Chả cốm được xem là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm của người Hà Nội trong những ngày thu về. Ăn một miếng chả cốm nóng hổi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm đà của thịt, vị dẻo thơm của cốm và vị giòn xốp của lớp vỏ bên ngoài.
Cốm làng Vòng
“Cốm thơm trải giữa sân đình
Hà thành hòa quyện cho tình ngát hoa
Đồng nội mưa nắng hài hòa
Cốm làng Vòng mãi cho ta hương đồng”

com-lang-vong

Cốm làng Vòng

Thứ cốm dẹt, màu xanh non làm từ nếp cái hoa vàng vừa qua thời kỳ đổ sữa, được gói vào lá sen già hoặc lá khoai rát xanh non buộc bằng những sợi rơm vàng. Khi ăn, người ta bốc từng nhúm cốm nhỏ đựng trong lá sen, nhai cốm thật chậm rãi để cảm nhận được vị ngọt thoang thoảng của nếp và hương thơm ngào ngạt từ lá sen.
Chả rươi
Đối với những ai không sống ở khu vực phía Bắc, chắc hẳn sẽ không biết về con rươi, loại sinh vật sống ở vùng nước lợ chỉ xuất hiện cuối tháng 9 đầu tháng 10. Chả rươi nổi bật với thịt rươi xay nhuyễn cùng trứng và thịt lợn, chắc chắn vẫn không thể thiếu vỏ quýt. Món chả rươi đúng vị Hà thành phải ăn nóng, chấm với nước mắm pha chanh ớt thì thật không gì bằng.
Bún chả
Nếu Phở không chỉ là đặc sản của khu vực phía Bắc mà còn là món ăn truyền thống của Việt Nam, thì bún chả cũng tương tự như vậy. Còn nhớ nguyên Tổng thống Mỹ Obama khi sang Việt Nam đã không thể bỏ qua món bún chả này. Món ăn với bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa chấm cùng bán mắm chua cay mặn ngọt khiến những ai thưởng thức đều phải xuýt xoa.
Bún thang
Nói đến sự cầu kỳ nhưng đầy tinh tế của những món ăn đặc sản miền Bắc, không thể không nhắc đến bún thang. Ước tính để làm được một tô bún thang cần đến khoảng 20 nguyên liệu: rau răm, mùi tàu, trứng gà rán mỏng, giò lụa thái sợi, lườn gà xé, tôm bông, lạp xưởng,… cho đến các loại gia vị đi kèm như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu hoặc chút mắm tôm.
Quá trình chế biến với nguồn nguyên liệu phong phú làm cho bún thang trở nên đặc biệt hơn hẳn. Nếu đã đến Hà Nội, nhất định bạn phải thử món ăn đặc sản này.
 
bun-thang-ha-noi
Món bún thang cầu kỳ của người Hà Nội
Bánh đa cua
Đặt chân đến Hải Phòng, bạn không thể không nếm thử mùi vị món bánh đa cua nổi tiếng. Loại bánh đa đỏ được trần với nước sôi cho chín rồi ăn kèm với nước dùng mang đủ các vị của chả cá, chả lá lốt, gạch cua chưng, thịt cua, cà chua, rau muống, rau nhút,… Tô bánh đa cua đậm đà khiến người ta không thể cưỡng lại được.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ẩm thực miền Bắc vẫn im đậm một nền văn hóa lâu đời và dường như không hề bị thay đổi nhiều theo thời gian. Những món ăn đặc sản miền Bắc kể trên sẽ giúp bạn khám phá nhiều hơn khi có dịp ghé thăm vùng đất phía địa đầu Tổ quốc này.

Được đăng bởi : Tôi Yêu Ẩm Thực Việt http://blog.livedoor.jp/toiyeuamthucviet/mon-ngon-da-san-mien-bac-viet-nam

Laisser un commentaire